• Chơi

    CHƠI là concept của lần trưng bày này. Mùa trăng, mùa thu, mùa trăng tròn giữa thu,
    Tết Trung thu. Một cái Tết đặc biệt dành cho trẻ con mà cũng không hẳn chỉ cho
    trẻ con. Đó là một cái Tết của bạn bè, gia đình, quây quần xum vầy, gặp gỡ trao
    nhận yêu thương. Có người lớn nào mà đã không từng là trẻ con?

    Click here 
  • Chơi

    Kể từ sự kiện đầu tiên vào năm 2016, đến năm nay nhóm họa sĩ G39 đã cùng nhau tổ chức tám triển lãm nhân dịp Trung thu. Tiếp nối hành trình đó, hôm nay (ngày 7/9) triển lãm CHƠI của nhóm gồm 13 nghệ sỹ (Vương Linh, Lê Thị Minh Tâm, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Nguyễn Quốc Thắng, Lê Ngọc Thuận, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Chu Hồng Tiến, Tào Linh, Đào Trọng Lưu) sẽ được khai mạc vào lúc 17h tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật, 29 Hàng Bài, Hà Nội.

    Click here 
  • Hình tượng mèo đánh thức cảm hứng thẩm mỹ họa sĩ đương thời

    Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, vẽ con giáp được các họa sĩ Việt Nam bắt đầu theo đuổi từ sau năm 1954, trên các bưu thiếp chúc Tết hoặc bìa báo xuân, tranh trong báo xuân. Cùng với danh họa Bùi Xuân Phái còn có các họa sĩ Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc… cũng vẽ nhiều tranh con giáp. Và người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, thậm chí ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành.

    Click here 
  • Họa sĩ Lê Thiết Cương: Thấy mình trong Kiều và thấy Kiều trong mình

    Ngày khai mạc triển lãm “Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh”, không khó để những người yêu mến họa sĩ Lê Thiết Cương nhận thấy một sự lạ: Anh đã vẽ minh họa bìa sách cho rất nhiều nhà văn, từ Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, cho đến Nguyễn Quang Thiều, Du Tử Lê, nhiều đến nỗi chính bản thân anh cũng phải thừa nhận rằng “mình chẳng tài nào nhớ hết”, nhưng đây là lần đầu tiên anh ra mắt một triển lãm trưng bày những bức họa lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học. Phải chăng thân phận đầy nước mắt của một người con gái tài sắc như Kiều đã khơi gợi trong anh những suy nghĩ để rồi cuối cùng ngưng tụ thành một thế giới Kiều của riêng mình?

    Click here 
  • Bất ngờ với 'Trẻ em không phải cô dâu'

    Một bộ ảnh kết hợp thiết kế đồ họa về chủ đề tảo hôn có tên 'Trẻ em không phải cô dâu' vừa ra mắt công chúng ở Hà Nội gây chú ý bởi một lối nhiếp ảnh kết hợp với đồ họa tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền hấp dẫn.

    Click here 
  • Hoạ Sĩ Lê Thiết Cương Vẽ Tranh Hổ Cho BST Đón Dần

    Đã cùng thông lệ, cứ cuối năm hoạ sĩ Lê Thiết Cương cùng các anh em trong nhóm G39 lại cùng nhau tổ chức một triển lãm tiễn năm cũ đón năm mới...

    Click here 
  • 'Kinh gốm' của cha con Lê Thiết Cương: 'Hiện trên mặt gốm kinh và thơ'

    Lâu nay, Lê Thiết Cương đã từng làm bìa, thiết kế, minh họa nhiều tập thơ của phụ thân là nhà thơ Lê Nguyên - tác giả bài thơ Hà Nội - Huế - Sài Gòn nổi tiếng qua việc phổ nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Lần này, với triển lãm Kinh gốm, lần đầu tiên có sự tham gia mỹ thuật vào ấn phẩm của nhà nhiếp ảnh trẻ Lê Nguyên Nhật (NHAT LE) - Trưởng nam của họa sĩ. Ngẫm mà thấy câu “cha truyền, con nối” thật đúng với chuyện này.

    click here 
Triển Lãm Chơi

Triển Lãm Chơi

CHƠI là tên triển lãm của nhóm họa sĩ G39 gồm: Vương Linh, Lê Thị Minh Tâm, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Nguyễn Quốc Thắng, Lê Ngọc Thuận, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Chu Hồng Tiến, Tào Linh, Đào Trọng Lưu.

CHƠI cũng là concept của lần trưng bày này. Mùa trăng, mùa thu, mùa trăng tròn giữa thu, Tết Trung thu. Một cái Tết đặc biệt dành cho trẻ con mà cũng không hẳn chỉ cho trẻ con. Đó là một cái Tết của bạn bè, gia đình, quây quần xum vầy, gặp gỡ trao nhận yêu thương. Có người lớn nào mà đã không từng là trẻ con? Một người lớn đúng nghĩa thì bao giờ cũng có một phần, một góc trẻ con trong mình. Phải chăng người ta đi qua được những bất ưng trong cuộc đời này phần nào cũng là do họ biết, còn biết giản dị, còn biết ngây thơ, còn biết “ấu thơ”. Thi sỹ Đặng Đình Hưng có câu:  “Khóc được nữa ư em? Mắt hết ấu thơ rồi”. Saint – Exupéry đề từ trong cuốn Hoàng Tử bé: “Tôi xin tặng cuốn sách này cho tất cả những ai đã từng là trẻ con”.

Hình ảnh trẻ con chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa rồng, múa sư tử (chính xác là múa lân)… thật đẹp, thật gợi nhiều ý cho tạo hình, tạo mầu, tạo khối, tạo sắc. Hình ảnh cá chép trong đôi lông mày của đầu lân, của đèn cá đều là ước muốn của người lớn về sự tốt lành cho trẻ nhỏ khởi từ cái ý lưỡng ngư vọng nguyệt, hoặc cá chép vượt vũ môn. Hình ảnh những vị tiến sĩ bằng giấy mầu là mong muốn cho trẻ nhỏ học giỏi, thi cử, đỗ đạt… Mùa thu, tháng 8 là quẻ Quan, Phong Địa Quan, tức là nhìn, là quan sát, nhìn trẻ con chơi để thấy tương lai của chúng và cũng để thấy quá khứ của mình, để tự nhủ mình: “Chỉ người có tâm hồn như trẻ thơ mới vào được nước Thiên đàng”, Kinh Tân ước.

CHƠI giống như một lễ hội đêm rằm rực rỡ sắc mầu. Có cả hội họa và điêu khắc với nhiều chất liệu khác nhau.

Nguyễn Quốc Thắng tham gia một serie cùng tên Rằm trung thu ở làng. Với chất liệu sở trường bột mầu trên giấy dó và giấy báo cũ, làng Cự Đà nơi anh sống chưa bao giờ “lung linh” như thế, tươi như thế. Vẫn là rước đèn, múa lân nhưng bằng một bảng mầu gần như không pha, tương phản mạnh nên Trung thu / Cự Đà trở thành một lễ hội mầu. Vài bức khác, Nguyễn Quốc Thắng vẽ mâm cỗ Trung thu, rất Tết, rất thu vì chỉ có tết Trung thu mới được phá cỗ. Vẫn phải nhắc lại, qua những bức tranh lần này càng thấy rõ Thắng hơn, thấy anh luôn hồn hậu, tươi mới, luôn giữ được cái trẻ con trong ánh nhìn của mình.

Lê Minh Trí góp mặt bằng 5 tác phẩm điêu khắc, chính xác là điêu khắc kết hợp hội họa, điêu khắc mầu. Trên cái hình chung gợi về một vị Bồ Tát ngồi thiền, anh vẽ lên, anh cho đồng hiện lên đó một đêm hội trăng rằm bằng những tín hiệu của đèn kéo quân, của mặt nạ với kiểu đi mầu mảng phẳng, kỷ hà. Có vị Bồ Tát nào mà không mang lại an lành, đó cũng là lời cầu chúc của Minh Trí cho Tết trăng rằm.

Lê Ngọc Thuận đến với Chơi qua các tác phẩm điêu khắc gỗ củi lũ phủ sơn và thếp vàng. “Tình mẫu tử” mẹ địu con đi rước đèn, ngôn ngữ thô mộc, gợi khối chứ không tả khối vừa hiện đại vừa là gạch nối đến những tượng trang trí  trong nhà Gươl của người Cơ Tu vùng Tây Giang, Quảng Nam.

Hoàng Phương Liên vẫn độc thủ với tranh giấy mầu, cắt dán, xé, ghép. Liên kể câu chuyện về một đêm hội Trung thu vừa thực vừa ảo, có múa lân, có đèn xếp, có cây đa, có Nguyệt, có chú Cuội chăn trâu mà vẫn có lô xô mái ngói phố cổ. Trời đất, mây gió, trăng và người giao hòa đầy mơ mộng.

Lê Thị Minh Tâm không múa, không rước, Trung thu với chị là trăng, 6 bức khổ lớn vẽ chị Hằng. Trăng rằm được người hóa, tức là tưởng tượng, là tự do, là phóng khoáng, là thăng hoa, là tung tẩy, không múa lân rước rồng nhưng mầu sắc bút pháp của chị bay lượn, đầy biểu cảm và nhục cảm như một vũ điệu của sắc mầu. Tâm là mầu, mầu là tâm, tâm của Tâm là mầu.

Đào Trọng Lưu nhập cuộc Chơi với 2 bức đại cảnh một đêm Trung thu ở Sapa, có trăng có núi, có những em bé người Mông, người Dao đỏ múa rồng, rước đèn ông sao… mầu tươi, tương phản nóng lạnh, tạo hình ít mảng, nhiều nét, gợi là chính…Ông trọng sự “chơi”, nghệ thuật của ông không bị nghiêm trọng, gò gẫm, mân mê, gọt giũa tỉ mẩn mỹ nghệ. Vui trẻ, vừa có độ trải nghề của thâm niên, vừa có hồn hậu của thiếu nhi,  đúng tinh thần “lão nhi”.

Triển lãm CHƠI ngoài đề tài Trung thu, còn một mảng đề tài nữa là trò chơi dân gian, những trò chơi trẻ em truyền thống đang ngày càng biến mất. Thay đổi và hiện đại là đương nhiên nhưng có nhất thiết phải đánh mất truyền thống không? Kéo cưa lừa xẻ, Trồng nụ trồng hoa, Thả diều, Nhảy dây nếu mất đi thì đâu chỉ là mất những trò chơi đó mà hiểu rộng ra là mất ký ức, mất tuổi thơ, mất truyền thống. Ở trong những trò chơi đó là văn hóa. Phải giữ văn hóa chứ!

Chu Hồng Tiến kể câu chuyện về những trò chơi đánh bi, đánh đáo, thả diều, nhảy dây bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Truyền thống được kể bằng hiện đại, những bức tranh nhỏ thôi, như thì thầm, như tiếc nuối, như tiếng gọi nhau của lũ con trẻ ở đâu đó xa xăm vọng về. Hình mầu đều rất kiệm, chấm phá vài nét, gợi mở phần nào thôi. Có lẽ Chu Hồng Tiến cố ý “hé cửa” để những trò chơi đó sẽ được người xem khám phá tiếp, chơi tiếp, theo ký ức riêng của mình. Chu Hồng Tiến chủ trương một kiểu vẽ dễ, vẽ như chơi. Tức là người xem thoạt trông tưởng như vậy nhưng kỳ thực kiểu này là kiểu rất khó, dễ đến mức khó. Khó chơi, chơi khó. Mà quả vậy, suy đến kiệt cùng thì chơi là khó nhất vì chơi tức là vô sở cầu, là vô đắc, là “thõng tay vào chợ”. Ai ai thì cũng đều có 2 phần, con  người tự nhiên và con người xã hội. Qua hội họa của Chu Hồng Tiến, tôi thấy con người tự nhiên của anh mạnh hơn con người xã hội, thật là may mắn!

Lần đầu tiên, nghệ sĩ sáo Lê Thư Hương chơi chung với Nhóm họa sĩ G39. Vẫn là trò chơi Ô ăn quan quen thuộc nhưng trong mắt của Hương nó là một vườn địa đàng, một vườn cổ tích, một vườn đồng dao. Mỗi trò chơi dân gian đều gắn với một bài đồng dao. Mà đã là đồng dao tức là vô lý, vẻ đẹp của vô lý, “cái đanh thổi lửa”, “ông thợ nào thua thì về bú mẹ”, “hết quan toàn dân thu quân kéo về”… Tranh của Lê Thư Hương đầy ắp vô lý quan là dân, dân là quan, là con mèo là đàn cá… rất thần tiên, rất mơ mộng, rất hoan ca, rất chơi.

Một số họa sĩ như Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Vương Linh không rước đèn, không múa may, không đeo mặt nạ cũng không vẽ về những trò chơi. Họ “chơi” bằng cách đặc biệt, tham gia Chơi với những tác phẩm mới nhất, mới sáng tác gần đây do chính họ tự chọn. Đấy cũng là một kiểu chơi. 13 họa sĩ với 70 tác phẩm như lời chúc an lành, hạnh phúc của nhóm họa sĩ Chơi dành cho tất cả con trẻ và những ai đã từng là trẻ con.

Lê Thiết Cương

9.2023

 

Back to blog